Năm học mới bắt đầu cũng là lúc các bạn học sinh cuối cấp hay gap year bận bịu viết các bài luận để nộp đơn cho kỳ tuyển sinh du học Mỹ sắp tới. Ngoài bài luận chính về cá nhân, các bạn còn cần hoàn thành những bài luận phụ của các trường. Điều đặc biệt là, không ít trường có xu hướng ra những đề bài khá khó hiểu, tưởng chừng như mang tính đánh đố như “Cái gì chia được cho số 0″ (“What can actually be divided by zero?”) của ĐH Chicago hay “Hãy nêu một món ăn bạn sẽ nấu cho nhà tuyển sinh” của ĐH Chapman.
Vậy, bạn nên tiếp cận và trả lời những câu hỏi hóc búa này như thế nào? Hãy cùng nghe chia sẻ từ chị Trang để nắm được một số bí kíp chung để xử lý các đề bài này nhé!
- Hãy sáng tạo không giới hạn
- Khi trường ra những đề bài như vậy, học sinh luôn được khuyến khích thỏa sức sáng tạo không giới hạn với bài luận. Đặc biệt khi trường cho phép bạn nộp bài luận bằng bản PDF, bạn có thể vẽ, gắn thêm hình ảnh minh họa, dùng font chữ độc đáo,… để làm bật lên cá tính mình. Chị từng có những học sinh viết hẳn một bài nghiên cứu về trái táo – trái cam hay viết cả thơ kèm theo hình vẽ minh họa để nộp cho trường đấy!
- Tập trung vào chính bạn
- Dù trường có ra những đề bài lạ lẫm tới đâu, mục đích của nhà tuyển sinh vẫn là để tìm hiểu về con người ứng viên. Đầu tiên hãy tự hỏi bản thân: Mình muốn thể hiện những phẩm chất/ đam mê gì của bản thân cho họ? Mình muốn cho họ thấy mình quan tâm điều gì? v..v.. Khi bạn xác định được thông điệp của bài luận, bạn sẽ điều chỉnh cách truyền đạt cho phù hợp với đề bài. Như vậy bạn sẽ tránh xu hướng đi lạc đề và bàn luận về những điều sâu xa mà không liên quan đến bản thân.
- Ví dụ là ĐH Chicago từng có đề bài hỏi “Tìm x” (“Find x”); bạn có thể viết về hành trình tìm kiếm bản ngã cá nhân hay giải quyết một vấn đề bạn quan tâm nhưng họ không trông chờ gì việc bạn nêu ra các giả thiết toán học hàn lâm và tìm ra x bằng các công thức thật sự đâu.
- Chú ý đến bức tranh tổng quát
- Khi lựa chọn một điều bạn muốn nói về bản thân, hãy nhìn vào tổng thể bộ hồ sơ của bạn. Sẽ tốt hơn nếu bạn viết về một khía cạnh cá nhân mà bạn chưa có dịp khai thác trong các bài luận khác hay trong hoạt động ngoại khóa. Hoặc nếu bạn muốn viết về một chủ đề cũ, bạn có thể viết nó dưới một góc nhìn mới.
- Để ý cách truyền đạt
- Khi viết, bạn hãy trình bày rõ ràng nhất có thể để đảm bảo nhà tuyển sinh hiểu đúng thông điệp bạn muốn truyền đạt. Không phải khi bạn nộp một tờ giấy trắng, nhà tuyển sinh sẽ hiểu ngay ý nghĩa sâu xa đằng sau tấm giấy này hay. Hay khi bạn chèn thêm hình ảnh, hãy nhớ chú thích rằng những tấm hình ấy đóng vai trò gì trong bài luận này hay tránh dùng những từ ngữ quá bay bổng mang hàm ý cực kì sâu xa mà có thể chỉ bạn mới hiểu.
Hướng tiếp cận và cách viết như thế nào còn tùy theo yêu cầu từng đề bài, nhưng hy vọng với những bí kíp chung ở trên, các bạn học sinh có thể tự tin hơn khi bắt tay vào viết những bài luận phụ. Otus tin rằng dù đề bài có lạ lẫm đến mấy, đó cũng là một thử thách và cơ hội để bạn có dịp đào sâu suy nghĩ và nhìn nhận về bản thân cũng như rèn sự sáng tạo.
Otus chúc các bạn tạo nên được những bài luận cá tính nhất!