CÁC LOẠI KẾT QUẢ THƯỜNG GẶP TRONG ĐỢT NỘP ĐƠN SỚM VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

Trong khoảng thời gian này, những kết quả đầu tiên trong hành trình nộp đơn sớm đang được thông báo đến với bạn. Dù kết quả là gì, chúng cũng là một phần trong chặng đường sắp tới của bạn.

Trong bài post này, Otus sẽ phân loại một số kết quả thường gặp trong đợt nộp đơn sớm kèm với những gợi ý về điều bạn nên làm tiếp theo để không bỏ lỡ bất cứ cơ hội ngàn vàng nào nhé!

LOẠI 1: ACCEPTANCE – BẠN ĐÃ ĐƯỢC NHẬN!

Công sức bạn bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng và điều đầu tiên là bạn nên tự hào về điều đó. Hãy cảm ơn bản thân mình và những người xung quanh, đặc biệt là thầy cô giáo đã đồng hành cùng bạn.

Tuy nhiên, hãy xem tiếp gói hỗ trợ tài chính từ trường, thường được gửi kèm thư chấp nhận hoặc thông báo vào vài ngày sau đó để chắc chắn bạn đạt được mức hỗ trợ cần thiết.

Trong trường hợp trường mơ ước của bạn không cho bạn đủ trợ cấp tài chính, bạn hãy gửi email đàm phán lại với trường về gói hỗ trợ tài chính:
– Cảm ơn trường vì quyết định chấp nhận và gói hỗ trợ tài chính, sau đó giải thích cụ thể hoàn cảnh của mình cùng giấy tờ kèm theo để chứng minh. 
– Bạn cũng có thể đề cập tới gói hỗ trợ tài chính của trường khác như “đòn bẩy” để xem trường có thể cho bạn nhiều hơn hay không.
– Đừng quên nhắc tới những cải thiện về thành tích học tập, hoạt động ngoại khoá của bạn trong thời gian qua để tăng tính thuyết phục và luôn giữ tinh thần lạc quan.

LOẠI 2: DEFERRAL – BẠN ĐƯỢC XÉT DUYỆT LẠI Ở VÒNG NỘP ĐƠN REGULAR

Khi hồ sơ bị “deferred”, bạn chưa được nhận cũng chưa bị từ chối, chỉ là hồ sơ của bạn vẫn có tính cạnh trạnh và sẽ được xem xét lại trong kì nộp đơn thường (Regular Decision). Lí do bị deferred có thể kể đến là: 
– Hồ sơ của bạn mạnh nhưng chưa đủ sức thuyết phục, trường muốn xem từ lúc nộp đến kì Regular, bạn có cải thiện đáng kể nào trong hồ sơ hay không.
– Hồ sơ bạn đủ mạnh nhưng mức yêu cầu hỗ trợ tài chính của bạn quá cao, trường phải xem xét tổng thể hồ sơ đợt thường để ra quyết định hỗ trợ tài chính phù hợp. 

Khi nhận được thư defer, bạn nên làm những điều sau:
– Tiếp tục giữ điểm số trên trường vì trường sẽ yêu cầu bảng điểm mới nhất của bạn cho kì tiếp theo.
– Viết 1 lá thư động lực cho trường (letter of continued interest). Trong thư bạn nên nêu rõ lại niềm đam mê của bạn đối với trường (thêm ví dụ như bạn đã viết mail với giáo sư để trao đổi về chương trình học, nói chuyện thêm với học sinh trường,…), cung cấp cho trường những thành tích mới bạn đạt được kể từ khi nộp đơn và đừng quên cám ơn trường đã trao cho bạn cơ hội thứ 2 nhé.
– Gửi thêm thư giới thiệu. Trong phần CommonApp nếu bạn chưa thêm thư giới thiệu từ những người không phải giáo viên (chủ tịch, sáng lập dự án bạn đang làm, mentor bạn,…) thì bạn nên nhờ họ viết 1 lá thư giới thiệu và gửi cho trường. 

LOẠI 3: REJECTION – THƯ TỪ CHỐI

Bị trường từ chối không có nghĩa là bạn không giỏi, chỉ là bạn không phải mảnh ghép phù hợp với trường hoặc trường không có đủ điều kiện tài chính để nhận bạn. Bạn còn có con đường, lựa chọn khác để cân nhắc và biết đâu bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn ở ngôi trường mà bạn không mơ ước ban đầu.

Trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là bạn bị tất cả các trường từ chối hoặc không đủ kinh phí trang trải việc học.

Có những trường hợp hi hữu là bạn phúc khảo lại hồ sơ (appeal). Tuy nhiên, điều này rất hiếm khi xảy ra và bạn phải kiểm tra kĩ chính sách của trường. Các trường chấp nhận phúc khảo điển hình là một số trường thuộc hệ UCs.